Lễ hội pháo hoa Nhật Bản - Hanabi
Câu chuyện lịch sử
Có giả thuyết cho rằng, người đầu tiên nhìn thấy pháo hoa ở Nhật Bản là Tướng quân Tokugawa Ieyasu (1543-1616). Tháng 8 năm 1613, trong một chuyến thăm Nhật Bản, phái viên Anh của Vua James I và một thương nhân người Hoa đã dành tặng cho tướng quân Tokugawa một món quà là màn trình diễn pháo hoa, khiến ông vô cùng thích thú. Từ đó, pháo hoa nhanh chóng trở nên phổ biến với các lãnh chúa ở Edo. Năm 1733, vị tướng quân thứ tám Tokugawa Yoshimune đã tổ chức Lễ hội Thần nước trên sông Sumida và bắn pháo hoa như một cách tri ân linh hồn một triệu người đã chết vì nạn đói do mất mùa, dịch hạch và dịch tả. Lễ hội này như một cách vực dậy tinh thần của người dân Nhật Bản vượt lên những khó khăn. Do đó nó vẫn tồn tại đến ngày nay với tên gọi Lễ hội pháo hoa sông Sumida.
Nếu nhìn vào ukiyo-e (tranh khắc gỗ của Nhật Bản), bạn sẽ thấy Hanabi được mô tả chỉ bằng một màu đỏ cam. Đến thời Minh Trị, nhờ du nhập màu sắc từ nước ngoài, màu sắc của pháo hoa Nhật Bản mới trở nên đa dạng hơn.
Những âm thanh được tạo ra từ pháo hoa quốc tế thường sẽ vang dội hệt như một vụ nổ lớn. Nhất là ở các quốc gia như Ý và Tây Ban Nha, họ sẽ cảm thấy không “đã tai” nếu như không nghe thấy âm thanh vang to. Pháo hoa ở Nhật lại khác, bằng cách sử dụng âm thanh như tiếng huýt sáo, một khoảng lặng giữa ánh sáng và âm thanh sẽ được tạo ra. Điều này khiến người xem bị thu hút và tò mò dự đoán về những gì sẽ xảy ra tiếp đến. Thế mới thấy, Hanabi không chỉ mang ý nghĩa giải trí mà còn là cả một nghệ thuật.